Để sản xuất ra một sản phẩm mỹ nghệ cần đòi hỏi sự công phu và bài bản.
Về quy trình, trước tiên người thợ Cả (thợ chính) phải có ý tưởng về sản phẩm mình định sản xuất và thể hiện bằng bản vẽ (mẫu sản phẩm). Khi đã làm xong phần mẫu, việc tiếp theo là chọn gỗ, lựa chọn làm sao để cho phù hợp với sản phẩm mình muốn, tiếp đến là lấy mực, rồi cho thợ xẻ ra thành từng khúc, từng tấm gỗ có độ dày mỏng khác nhau sao cho đúng kích thước đã định sẵn lúc lấy mực. Công đoạn này cần sự chuẩn chỉ của người thợ và người thợ này theo nôm na người dân gọi đó là thợ hàng Ngang. Công việc của thợ Ngang là pha gỗ như: Cưa, cắt, xẻ, vanh, ken,… theo khuôn mẫu đã định sẵn của sản phẩm.
Ví dụ như: Chân, tay, cột, yếm của bàn ghế và các chi tiết khác. Khi đã hoàn thiện xong những tấm gỗ theo ý muốn, người thợ Chạm sẽ thực hiện công việc của mình. Họ sẽ xử lý những phần chi tiết theo khuôn mẫu đã định sẵn như: Vườn hoa, cành đào, hòn non bộ và những chi tiết nhỏ khác… để cho sản phẩm thêm đặc sắc và nghệ thuật.
Tiếp đến người thợ Ngang và thợ Chạm phối hợp với nhau để lắp ráp và hoàn thiện sản phẩm với các công việc như: Bào, nạo, lu, gắn cố định bằng (cồn, keo). Công đoạn cuối cùng giao cho thợ Nguội làm đẹp sản phẩm như: Đánh giấy giáp, véc ni, phun sơn, khảm ngọc trai…
Từ đôi bàn tay khéo léo của người dân nơi đây, những khúc gỗ sần sùi, thô ráp đã được biến hóa thành một tác phẩm nghệ thuật, khiến cho những người chiêm ngưỡng cảm thấy thán phục trước tài năng của họ