(BTV) Phường Phù Khê (thành phố Từ Sơn) không chỉ là vùng quê giàu truyền thống văn hiến, cách mạng, khoa bảng, quê hương của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ mà còn là vùng đất nổi tiếng với nghề làm mộc truyền thống, từ bao đời nay vẫn được người dân địa phương gìn giữ và ngày càng phát triển. Mời quý vị và các bạn cùng tìm hiểu đôi nét về cách mà người dân nơi đây đã tạo ra những sản phẩm, đưa tên tuổi của làng nghề Phù Khê đi khắp mọi miền của Tổ quốc.
Làng Phù Khê, phường Phù Khê, tên Nôm là làng Giầm, tên cổ là Phù Đầm vốn có nghề mộc, nghề chạm gỗ đạt độ tinh xảo từ lâu đời. Từ xa xưa, người dân nơi đây vẫn truyền tụng câu ca:
“Hà Nội thêu quạt, thêu cờ
Phù Khê chạm trổ ngai thờ nhà vua”
Nhiều công trình kiến trúc có giá trị như chùa Bút Tháp, chùa Tây Phương, đình Diềm Xá, đình Đình Bảng, đền Ngọc Sơn… đều mang dấu ấn của những người thợ, nghệ nhân của làng nghề Phù Khê. Hiện nay, đình làng Phù Khê vẫn còn thờ cụ Tổ nghề chạm khắc gỗ là ông Nguyễn An cùng nhiều sắc phong của các triều đại ghi nhận những đóng góp của dân làng trong việc xây dựng cung đình, lăng tẩm.
Những đường nét, hoa văn tinh tế trên sản phẩm
Nghề mộc tại Phù Khê không những có từ lâu đời mà còn đa dạng phong phú đạt đến trình độ tinh xảo, nghệ thuật: Từ việc dựng nhà ở, làm đình chùa, bàn ghế, đồ gia dụng, đồ thờ tự cho đến sáng tác ra những tác phẩm nghệ thuật như: Tượng, tranh với nhiều thể loại và các sản phẩm khác.
Để sản xuất ra một sản phẩm mỹ nghệ cần đòi hỏi sự công phu và bài bản. Về quy trình, trước tiên người thợ Cả (thợ chính) phải có ý tưởng về sản phẩm mình định sản xuất và thể hiện bằng bản vẽ (mẫu sản phẩm). Khi đã làm xong phần mẫu, việc tiếp theo là chọn gỗ, lựa chọn làm sao để cho phù hợp với sản phẩm mình muốn, tiếp đến là lấy mực, rồi cho thợ xẻ ra thành từng khúc, từng tấm gỗ có độ dày mỏng khác nhau sao cho đúng kích thước đã định sẵn lúc lấy mực.
Công đoạn này cần sự chuẩn chỉ của người thợ và người thợ này theo nôm na người dân gọi đó là thợ hàng Ngang. Công việc của thợ Ngang là pha gỗ như: Cưa, cắt, xẻ, vanh, ken,… theo khuôn mẫu đã định sẵn của sản phẩm. Ví dụ như: Chân, tay, cột, yếm của bàn ghế và các chi tiết khác.
Khi đã hoàn thiện xong những tấm gỗ theo ý muốn, người thợ Chạm sẽ thực hiện công việc của mình. Họ sẽ xử lý những phần chi tiết theo khuôn mẫu đã định sẵn như: Vườn hoa, cành đào, hòn non bộ và những chi tiết nhỏ khác… Để cho sản phẩm thêm đặc sắc và nghệ thuật.
Tiếp đến người thợ Ngang và thợ Chạm phối hợp với nhau để lắp ráp và hoàn thiện sản phẩm với các công việc như: Bào, nạo, lu, gắn cố định bằng (cồn, keo).
Công đoạn cuối cùng giao cho thợ Nguội làm đẹp sản phẩm như: Đánh giấy giáp, véc ni, phun sơn, khảm ngọc trai…
Từ đôi bàn tay khéo léo của người dân nơi đây, những khúc gỗ sần sùi, thô ráp đã được biến hóa thành một tác phẩm nghệ thuật, khiến cho những người chiêm ngưỡng cảm thấy thán phục trước tài năng của họ.
Làng nghề Phù Khê nổi tiếng với các sản phẩm gỗ mỹ nghệ như: Chạm khắc Rồng, bàn ghế, đồ thờ, đồ gia dụng, bàn ghế, tủ quần áo,… được khách hàng trong nước và quốc tế yêu thích và tin dùng. Không chỉ bởi thiết kế đẹp, tinh tế mà chất lượng còn rất bền bỉ.
Sự phát triển mạnh mẽ của đồ gỗ mỹ nghệ Phù Khê còn lan rộng sang các địa phương khác như Đồng Hương, Mai Động, Liên Hà, Vân Hà, Hiệp Hòa (Bắc Giang),… thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế Từ Sơn và vùng lân cận. Đến nay, thị trường sản phẩm đồ gỗ mỹ nghệ Phù Khê đã trải rộng khắp mọi miền đất nước và được nhiều nước trên thế giới biết đến. Cùng với việc gìn giữ, để lại những giá trị văn hóa lâu dài trên quê hương, đất nước, những người thợ mộc Phù Khê đang làm giàu hơn, đẹp hơn cho quê hương.
Hình rồng được người thợ Phù Khê chạm khắc trên gỗ, thể hiện sức mạnh và khát vọng mãi vươn lên đã và đang thành hiện thực, như tâm nguyện bao đời của người dân nơi đây. Từng ngày, từng ngày đem lại sự giàu có, trù phú cho một vùng quê./.
Nguồn: https://bacninhtv.vn/tin-tuc-n14105/lang-nghe-do-go-my-nghe-phu-khe-va-khat-vong-vuon-len.html