Bắc Ninh là một tỉnh cửa ngõ phía Bắc của Thủ đô Hà Nội, trung tâm xứ Kinh Bắc cổ xưa, mảnh đất địa linh nhân kiệt. Ngày nay, tỉnh Bắc Ninh luôn là một trong những tính dẫn đầu về các chỉ số phát triển doanh nghiệp. Không những vậy, đây cũng là tỉnh có nhiều các làng nghề bậc nhất cả nước.
Theo thống kê được đăng trên Cổng Thông tin điện tử tỉnh Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh có 62 làng nghề, trong đó có 30 làng nghề thủ công truyền thống, nổi bật như: làng nghề Gỗ Đồng Kỵ, gốm Phù Lãng, đúc đồng Đại Bái, chạm khắc gỗ Phù Khê… Trên địa bàn tỉnh đã và đang triển khai xây dựng, quản lý, quảng bá thương hiệu cho 08 làng nghề/sản phẩm nông nghiệp gắn với địa danh, bao gồm: Gà Hồ Thuận Thành, Khoai tây Quế Võ, Gạo tẻ thơm Quế Võ; Đồ gỗ mỹ nghệ Đồng Kỵ, Đồng Đại Bái, Gốm Phù Lãng, Tre trúc Xuân Lai, Mây tre đan Xuân Hội…
Trong xu thế hội nhập quốc tế, phát triển làng nghề nông thôn phù hợp với phát triển kinh tế, văn hóa xã hội đang được nhiều địa phương quan tâm và đưa ra những chính sách quảng bá để kích thích phát triển. Trên cơ sở ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đa dạng hóa sản phẩm về mẫu mã, kiểu dáng, nâng cao năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh của các cơ sở sản xuất làng nghề, tỉnh Bắc Ninh phấn đấu, duy trì và phát triển 30 làng nghề hiện tại và từ năm 2020-2025 phát triển thêm tối thiểu 30% số làng có nghề truyền thống.
Việc thúc đẩy làng nghề phát triển đi kèm với sự phát triển hiện đại, bền vững là điều cần thiết, là động lực quan trọng góp phần xây dựng nông thôn mới, thúc đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp trên cả nước nói chung, tỉnh Bắc Ninh nói riêng. Để làm được điều này, tỉnh Bắc Ninh cũng như các làng nghề cần tích cực giữ vững giá trị truyền thống, phát triển cùng với việc bảo về môi trường, tích cực đề ra những chính sách phù hợp với định hướng phát triển.