Làng nghề đồ gỗ mỹ nghệ Phù Khê phát triển rực rỡ

LNV – Làng nghề đồ gỗ mỹ nghệ Phù Khê thuộc phường Phù Khê, thành phố Từ Sơn (trước là xã Phù Khê, thị xã Từ Sơn), tỉnh Bắc Ninh xưa nay nổi tiếng với nghề chạm khắc gỗ. Từ những năm 1990 đến nay, nghề mộc chạm khắc Phù Khê đã phát triển rực rỡ. Sản phẩm không những được khách hàng cả nước ưa chuộng, mà còn được xuất khẩu nhiều sang các nước bạn bè quốc tế.
Từ trung tâm thành phố Hà Nội di chuyển dọc theo hướng đông bắc khoảng 25km là tới làng nghề Phù Khê. Theo các bậc trưởng lão thì làng được thành lập từ thời An Dương Vương xây thành Cổ Loa, thịnh vượng đến đời Lý Thái Tổ dời đô về Thăng Long. Khi đó nhu cầu xây dựng cung điện, thành quách rất lớn, nghệ nhân tài giỏi từ các nơi tập trung về Phù Khê rất đông, dần hình thành nên ngôi làng chạm khắc có tiếng đến ngày nay. Hiện ta có thể thấy nhiều vết tích thời phong kiến qua những đồ vật còn sót lại trong đình làng. Những kiến trúc và hoa văn truyền thống từ thời xưa vẫn còn nguyên vẹn; trường tồn với thời gian tại làng nghề Phù Khê.

Truyền rằng, Tổ nghề mộc là ông Lỗ Ban và từ xưa đến nay nhân dân vẫn giữ tục thờ Tổ nghề. Hàng năm, trước ngày 7/1 âm lịch; Làng nghề đồ gỗ Phù Khê thường sẽ tổ chức lễ lớn để cúng tổ nghề mộc. Lễ vật gồm: xôi, gà, rượu, hoa quả, hương đăng. Tất cả các gia đình người thợ trong phường thợ đều phải có trách nhiệm đóng góp. Vào ngày 7, Ban Quan khánh Phường Thợ có trách nhiệm tế lễ Tổ nghề. Truyền thống và tục thờ cúng Tổ nghề của người thợ Phù Khê không những biết ơn người đã dạy nghề, mà còn củng cố mối đoàn kết cộng đồng, động viên nhau giữ vững và phát triển nghề trên con đường mưu sinh.

Nghề mộc Phù Khê không những có từ lâu đời mà còn đa dạng phong phú đạt đến trình độ tinh xảo, nghệ thuật: Từ việc dựng nhà ở, làm đình chùa, làm đồ gia dụng, làm đồ thờ tự cho đến sáng tác ra những tác phẩm nghệ thuật như: Tượng, tranh với nhiều thể loại và đề tài. Đến thời Lê Trung Hưng (thế kỷ XVII, XVIII) nghề mộc chạm khắc của Phù Khê phát triển mạnh mẽ và còn để lại những công trình nổi tiếng như: Đình Đình Bảng, đình Diềm, chùa Bút Tháp, chùa Tây Phương, chùa Vĩnh Nghiêm…Trong những năm tháng kháng chiến chống Pháp và thời kỳ “hợp tác hoá” của thế kỷ trước, nghề mộc chạm khắc của Phù Khê có bị trùng xuống. Song bước vào thời kỳ đất nước đổi mới từ những năm 1990 đến nay, thì nghề mộc chạm khắc Phù Khê đã phát triển rực rỡ. Sản phẩm không những được khách hàng cả nước ưa chuộng, mà còn được xuất khẩu nhiều sang các nước bạn bè quốc tế.

Khoảng 10 năm trở lại đây sản xuất hàng gỗ mỹ nghệ của Phù Khê phát triển rất mạnh. Toàn phường có hơn 2.000 hộ dân (trong đó 22 hộ thành lập doanh nghiệp) hầu hết đều tham gia làm nghề mộc truyền thống, chế tác, sản xuất các sản phẩm gia dụng, mỹ nghệ liên quan đến nhiều loại gỗ.
Làng nghề Phù Khê nổi tiếng với các sản phẩm gỗ mỹ nghệ như: chạm khắc Rồng, đồ thờ cúng cho đến đồ gia dụng, bàn ghế, tủ quần áo,… Các sản phẩm của Phù Khê được khách hàng trên cả nước yêu thích và tin tưởng lựa chọn không chỉ bởi thiết kế đẹp, tinh tế mà chất lượng còn rất bền bỉ

Share:

Author: admin

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *